NGGDNN đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng trong kỷ nguyên số

Khi chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục ngày càng mạnh mẽ, vai trò của mỗi nhà giáo GDNN càng trở nên quan trọng, là nhân tố đào tạo ra nguồn nhân lực làm chủ kỹ năng, làm chủ công nghệ. Với tư duy đổi mới, thích ứng, sáng tạo, mỗi nhà giáo GDNN là “đòn bẩy” để nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định thương hiệu mỗi nhà trường trong kỷ nguyên số.

NHÀ GIÁO NGUYỄN MINH TÚ, TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ SỐ 4 (BỘ QUỐC PHÒNG: 

Truyền động lực để thầy giỏi, trò giỏi là niềm hạnh phúc của nghề giáo

Gắn bó với nghề giáo tròn 20 năm, Nhà giáo Nguyễn Minh Tú trường Cao đẳng nghề số 4 chưa bao giờ nản lòng trước những khó khăn, thử thách. Người thầy – người chiến sỹ ấy vẫn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, được các bậc phụ huynh, học sinh, đồng nghiệp quý mến, tin tưởng.

Giảng dạy tại khoa Công nghệ ô tô, thầy Nguyễn Minh Tú luôn tiên phong trong đổi mới phương pháp quản lý giáo dục nghề nghiệp, cùng đồng hành với với khoa, nhà trường mạnh mẽ sáng tạo, linh hoạt để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt, thầy luôn xây dựng tinh thần đoàn kết, cùng giúp đỡ tập thể, cá nhân tích cực học hỏi, trau dồi, chia sẻ kinh nghiệm để mỗi thầy cô giáo của khoa hoàn thiện về chuyên môn.

Thầy Tú chia sẻ: “Sinh viên nhà trường tốt nghiệp được thị trường đón nhận chính là khẳng định thương hiệu, uy tín của nhà trường. Thầy có giỏi, trò mới giỏ, mới tạo ra nguồn nhân lực tốt cho xã hội. Đó là niềm hạnh phúc nhất của người thầy trong lĩnh vực GDNN”.

Với tâm niệm đó, thầy Tú luôn ép mình phải đổi mới, sáng tạo, thích ứng với những thay đổi nhanh của công nghệ để tự hoàn thiện bản thân, nâng cao năng lực của chính mình và lan tỏa tinh thần tích cực tới đồng nghiệp. Việc thầy Tú giành được những thành tích như: Giải Nhất hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc- 2021; Giải nhì giải thưởng “Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội lần thứ 17”, giấy khen phong trào “Dạy tốt, học tốt”; giải A giải thưởng Nguyễn Viết Xuân; chứng nhận mô hình thanh niên tiêu biểu cấp quân khu – 2011 đã trở nên quá quen thuộc, xứng đáng với những nỗ lực, cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Thầy Tú  cũng luôn là chủ thể mạnh dạn đưa ra kiến nghị về tổ chức hội thảo đổi mới phương pháp dạy, tập huấn, thao giảng, sinh hoạt tổ chuyên môn, tổ chức tốt bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém, ôn thi tốt nghiệp. Thầy Tú cũng luôn chủ động phối hợp giữa các tổ chức trong việc tiếp cận trình độ thế giới, giúp giáo viên khoa Công nghệ ô tô, học sinh, sinh viên tiếp cận với những công nghệ mới, từ đó thích ứng để có phương pháp đào tạo hiệu quả.

Nhà giáo Nguyễn Minh Tú còn tham gia hướng dẫn, bồi dưỡng không ít giáo viên của khoa trở thành những giáo viên dạy giỏi. Lĩnh hội kiến thức từ thầy Tú, một số giáo viên của khoa đã đạt trình độ giỏi như: Giáo viên Lê Quyết Thắng đã đạt giải Nhất hội giảng giáo viên dạy nghề tỉnh Nghệ An- 2022; giáo viên Nguyễn Hữu Chỉnh, đạt giải Nhất hội giảng giáo viên dạy giỏi tỉnh Nghệ An- 2017, giải Nhì hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc – 2018, đạt giáo viên dạy giỏi cấp bộ- 2019.

Thầy Tú cũng là người truyền động lực, bồi dưỡng cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên của nhà trường có niềm đam mê, gắn bó với nghề, phát huy tố chất và khẳng định kỹ năng tại các cuộc thi kỹ năng nghề các cấp, giành nhiều thành tích đáng tự hào.

NHÀ GIÁO NGUYỄN THANH THẢO, CAO ĐẲNG KỸ THUẬT – CÔNG NGHỆ BÀ RỊA – VŨNG TÀU:

Học hỏi từ doanh nghiệp để sáng tạo, nâng cao chất lượng giảng dạy

Phụ trách khoa Cơ khí chế tạo, thầy giáo Nguyễn Thanh Thảo luôn sôi nổi trong các hoạt động giảng dạy, sáng tạo, phát triển phong trào Đoàn viên trong nhà trường. Đặc biệt, thầy Thảo đã để lại ấn tượng tại hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc, hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc với những đề tài hay như: “Mô hình ép nhựa mini” đạt giải nhất tại Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc năm 2022. Mô hình này được thầy giáo Nguyễn Thanh Thảo ứng dụng trong giảng dạy trực quan cho sinh viên tại trường, giúp sinh viên nắm bắt rất nhanh quy trình vận hành trước khi được tiếp cận với thiết bị thật trong quy trình sản xuất tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thầy Thảo còn tích cực tham gia hội giảng nhà giáo GDNN các cấp, từ cấp tỉnh đến toàn quốc đều đạt thành tích xuất sắc. Năm 2021, thầy giành giải Nhất với điểm số gần tuyệt đối 97/100 tại Hội giảng toàn quốc với bài trình giảng “Tiện lỗ bậc bằng phương pháp du xích xe bao dọc. Điểm số này dẫn đầu tiểu ban Cơ khí và đứng đầu 20 tiểu ban trong số 404 nhà giáo dự thi. Bài giảng này không đơn thuần là lý thuyết mà còn tích hợp nhiều phương pháp như thuyết trình, diễn giảng có minh họa bằng vật thật, video và trình chiếu power point, phương pháp trực quan kết hợp với thao tác mẫu, phương pháp thảo luận, diễn giảng, minh họa các nội dung của bài học…rất hấp dẫn, dễ hiểu.

Theo thầy Thảo, trong mỗi giai đoạn, yêu cầu về trình độ tay nghề của người lao động lại thay đổi, bởi vậy nhà giáo giáo dục nghề nghiệp luôn phải nghiên cứu, tìm hiểu, cập nhật công nghệ, dây truyền sản xuất ở các doanh nghiệp để bắt kịp xu thế, thay đổi phương pháp giảng dạy, thiết bị giảng dạy phù hợp.

“Từ khi còn là sinh viên trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, những người thầy nhiệt huyết, say mê với từng bài giảng đã truyền cho tôi tình yêu lớn với nghề. Đến khi trở thành giáo viên tại CĐ Kỹ thuật  – Công nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu, sự sáng tạo, tư duy đổi mới, học hỏi từ đồng nghiệp, doanh nghiệp để nâng cao chất lượng giảng dạy đối với tôi càng trở nên cần thiết, vừa để mình được học hỏi, vừa mang về những kiến thức, kỹ năng mới truyền thụ lại cho các em sinh viên. Nhìn thấy các em trưởng thành, đáp ứng cho doanh nghiệp nguồn lao động có tay nghề cao, tôi càng quyết tâm tiếp bước nghề giáo mình đã chọn. Điều đó làm tôi luôn hạnh phúc và biết ơn nhà trường, luôn tạo điều kiện để tôi phát huy được sở trường của mình”, thầy Thảo chia sẻ.

NHÀ GIÁO NGUYỄN THỊ HỒNG, CĐ CÔNG NGHIỆP BẮC NINH:

Sáng tạo để khơi gợi đam mê học tập của sinh viên

Là giảng viên khoa Điện – Điện tử, trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh đến nay tròn 9 năm, nhà giáo Nguyễn Thị Hồng có nhiều thành tích về đổi mới, sáng tạo, ứng dụng trong công tác giảng dạy, minh chứng bằng hàng loạt giải thưởng như: giải Nhất Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc với bài giảng “Giám sát mô hình cánh tay Robot trên Webserver”; giải Nhì Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc – 2022 nhóm đồng tác giả.

Nhà giáo Nguyễn Thị Hồng và đồng nghiệp luôn đoàn kết, cùng học hỏi, trau dồi kiến thức, không ngừng sáng tạo để có phương pháp giảng dạy trực quan, mang lại hiệu quả cao, giúp học sinh tiếp cận dễ dàng trong thời gian sớm nhất.

Với cô giáo Nguyễn Thị Hồng, cùng với việc chuẩn bị giáo án, giảng viên phải sáng tạo để có bài giảng hay, tạo được sự hứng thú, niềm đam mê với nghề bởi không phải học sinh nào đến với nghề Điện- Điện tử đều vì sở thích của bản thân. Hơn nữa, với lứa tuổi 15 – 18, khi giảng viên tạo được sự hứng khởi, đam mê học tập, các em sẽ mạnh dạn thử thách, khám phá năng lực bản thân, bắt đầu tiếp cận những kỹ năng nghề nghiệp để chuẩn bị hành trang cho tương lai.

“Đào tạo một em học sinh, sinh viên có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, có năng khiếu tốt là chuyện không dễ dàng. Chúng tôi luôn đồng hành, chỉ dẫn cho các em hiểu được về chuyên ngành mình theo học, ứng dụng và áp dụng thực tế đúng với những kiến thức được học, để mang lại giá trị cho bản thân, cho xã hội. Đó chính là định hướng nghề nghề nghiệp bền vững”, cô Hồng chia sẻ.

Theo http://gdnn.gov.vn

 

 

Các bài viết khác

02223.856.294
02223.856.294 0975.729.045