Đến 2025, Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh nâng tầm thành trường chất lượng cao
Trong năm 2024, UBND tỉnh Bắc Ninh sẽ sáp nhập trường Trung cấp Kinh tế- Kỹ thuật và Thủ công mỹ nghệ Thuận Thành, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh vào trường CĐ Công nghiệp Bắc Ninh. Bởi vậy, việc đẩy nhanh kế hoạch triển khai đề án, đầu tư xây dựng mới một ngôi trường quy mô, bài bản, với tổng diện tích trên 12 héc ta, với các tiêu chí đạt chuẩn trường chất lượng cao (CLC) đến năm 2025 là điều cần thiết.
Hôm 14/3, Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn và Phó chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn đã có buổi thăm và làm việc với trường CĐ Công nghiệp Bắc Ninh. Chủ trì buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn chỉ đạo nhà trường báo cáo thực trạng, kết quả hoạt động của BCi. Đồng thời, tháo gỡ những khó khăn, tồn tại của nhà trường trong lộ trình hướng tới mục tiêu trở thành trường CLC vào năm 2025.
Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Anh Tuấn và Phó Chủ tịch thường trực Vương Quốc Tuấn tham quan xưởng thực hành nghề khu công nghệ cao.
BCi phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, linh hoạt
Tại buổi làm việc, thông qua báo cáo của nhà trường, Bí thư Nguyễn Anh Tuấn đã nắm bắt được những thành tựu, kết quả của nhà trường đã được trong những năm qua. Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh đều đánh giá cao sự nỗ lực của tập thể sư phạm nhà trường, trong đó vai trò của người đứng đầu có sức truyền cảm hứng động lực cho mỗi cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên hăng hái thi đua giảng dạy, học tập, rèn nghề, phát triển toàn diện kỹ năng.
Đặc biệt, sự chủ động, linh hoạt trong việc tiếp cận lĩnh hội những công nghệ mới, phương pháp đạo tạo nghề từ các tổ chức quốc tế như GIZ, nhà trường đã thu hút được nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế triển khai mô hình đạo nghề chuẩn CHLB đã mang lại lợi ích cho sinh viên, nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở nghề Điện tử công nghiệp và Cơ khí chính xác.
Hiện nay, nhà trường với quy mô đào tạo trên 2.300 học sinh, sinh viên ở các cấp trình độ, ngành nghề đào tạo (10 ngành nghề trình độ Cao đẳng, 7 ngành nghề Trung cấp). Trong đó, có 7 ngành đào tạo thuộc lĩnh vực công nghiệp Điện tử, Tự động hóa, Cơ khí chính xác công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ với quy mô đào tạo trên 90% tổng uy mô đào tạo của nhà trường. So với mười năm trở lại đây, quy mô đào tạo của nhà trường tăng tới 405%.
Sự hấp dẫn của BCi với người học chính là chất lượng đào tạo được khẳng định, với phương thức đạo tạo song hành cùng doanh nghiệp vừa thực học, thực hành tại doanh nghiệp. Bởi vậy, 100% học sinh, sinh viên tốt nghiệp đều có việc làm đúng với chuyên môn nghề đã học, với mức thu nhập trung bình từ 10- 15 triệu đồng/ tháng.
Các ngành nghề đang đào tạo của nhà trường hiện nay đều được các doanh nghiệp tuyển dụng, tuyển chọn cam kết việc làm đầu ra từ khi các em bắt đầu bước vào năm thứ hai. Trong đó, có 3 công ty Goertek và Hitachi (ABB), Symkos đặt hàng với quy mô khoảng 150/ sinh viên/ năm. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực chuyển đổi số, nghiên cứu khoa học, phát triển Đảng trong sinh viên với mô hình giáo dục toàn diện.
Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Anh Tuấn và Phó Chủ tịch thường trực Vương Quốc Tuấn đánh giá cao các sản phẩm chế tạo (bài thi đồ án tốt nghiệp) của sinh viên nghề Cơ khí chính xác theo tiêu chuẩn CHLB Đức.
Xây dựng trường chất lượng cao, quy mô, bài bản
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh và đại diện các Sở cũng đã nghe những chia sẻ về khó khăn, rào cản trong công tác đào tạo, hoạt động của nhà trường. Đó là những yếu tố về hạ tầng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, đội ngũ giảng viên còn thiếu, chưa thu hút được nguồn nhân lực giỏi, giáo viên chuyên ngành ở các lĩnh vực ngành nghề mới, công nghệ mới như chip, bán dẫn…
Thăm quan trực tiếp cơ sở vật chất, trang thiết bị tại xưởng thực hành, nắm bắt thực tế điều kiện sinh hoạt của sinh viên nhà trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn khẳng định: Hiện trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường hiện nay còn manh mún, chưa đồng bộ, chưa xứng tầm đối với một tỉnh đang chuyển đổi phát triển mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Hiện trạng về cơ sở vật chất, diện tích chưa đảm bảo, cũng như chưa đạt tiêu chí của trường CLC. Bởi vậy, trước mắt cần được quan tâm sửa sang, nâng cấp, đầu tư các hạng mục nhỏ về cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu đào tạo hiện tại.
Ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết kế hoạch sáp nhập một số cơ sở GDNN vào BCi và quy mô xây trường mới bài bản, phấn đấu trở thành trường CLC vào năm 2025.
Phó Chủ tịch Vương Quốc Tuấn cho hay: Theo kế hoạch, chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh sẽ sáp nhập trường Trung cấp Kinh tế- Kỹ thuật và Thủ công mỹ nghệ Thuận Thành, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh vào trường CĐ Công nghiệp Bắc Ninh trong năm 2024. Bởi vậy, việc đẩy nhanh kế hoạch triển khai đề án, đầu tư xây dựng mới một ngôi trường quy mô, bài bản, với tổng diện tích trên 12 héc ta (hiện đang giải phóng mặt bằng được 4 héc ta) với các tiêu chí đạt chuẩn trường CLC đến năm 2025 là điều cần thiết.
Từ đó nâng tầm quy mô đào tạo lên 3.000 sinh viên và lâu dài có thể lên tới 5.000 học sinh, sinh viên, cũng có thể trở thành trường Đại học Công nghiệp Bắc Ninh trong tương lai. Nâng tầm trường CĐ Công nghiệp Bắc Ninh trở thành trường CLC là quyết định đầu tư có tính thực tiễn cao, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng nghề giỏi cho địa phương, đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh Bắc Ninh.
Có chính sách thu hút nguồn nhân lực giỏi
Đây là một trong những giải pháp về yếu tố con người được Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn cũng như Phó Chủ tịch Vương Quốc Tuấn đặc biệt quan tâm. Đối với Bắc Ninh hiện đã có cơ chế chính sách từ Nghị quyết 10/2021/NQ- HĐND về hỗ trợ học phí đối với học sinh tốt nghiệp THPT trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh học nghề tại các cơ sở GDNN. Được biết, tới nay đã đầu tư hỗ trợ gần 84 tỷ đồng khuyến khích cho người học nghề.
Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Bí thư Nguyễn Anh Tuấn chỉ đạo các Sở liên quan tiếp tục phối hợp nghiên cứu, đề xuất những chính sách ưu đãi, thu hút các em học sinh tỉnh ngoài (nếu cam kết ở lại Bắc Ninh làm việc từ 3- 5 năm). Đặc biệt, các Sở liên quan cũng cần nghiên cứu tham mưu, đề xuất để tỉnh ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút nguồn nhân lực làm đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn giỏi để tham gia quá trình giảng dạy, đào tạo phát triển nguồn nhân lực CLC cho địa phương.
Bí thư Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh: Bắc Ninh đang hấp dẫn các nhà đầu tư, các doanh nghiệp FDI vào các ngành công nghiệp số, công nghiệp chip, bán dẫn. Điều đó, đòi hỏi trường CĐ Công nghiệp Bắc Ninh phát huy vai trò trong đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực ở lĩnh vực này cho thị trường lao động, là sứ mệnh góp phần đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế của Bắc Ninh hiện tại và tương lai.
Việc nâng tầm trường CĐ Công nghiệp Bắc Ninh trở thành trường CLC đến năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực CLC, với các nghề chuyển đổi số, chuyển đổi xanh gắn với kỹ năng xanh, kỹ năng số. Góp phần cho sự thành công chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của tỉnh Bắc Ninh trong chiến lược mục tiêu là tỉnh phát triển Công nghiệp, Công nghệ cao theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, liên quan đến biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Đồng ý chủ trương đào tạo liên kết quốc tế, sẵn sàng cho giảng viên học tập tại nước ngoài
Trong điều kiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, trang thiết bị công nghệ hiện đại, thời gian qua trường CĐ Công nghiệp Bắc Ninh đã chủ động tìm hiểu các mô hình đào tạo nghề quốc tế từ các nước Trung Quốc, Hàn Quốc.
Ông Nguyễn Đức Lưu- Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ kiến nghị, mong muốn được hợp tác với các đơn vị như trường CĐ Cơ điện Quảng Tây (Trung Quốc) đào tạo theo mô hình “ 1 + 1 + 1” ( Nhà trường- Nhà trường- Doanh nghiệp). Theo mô hình này, sinh viên của BCi sẽ có 1 năm học tập tại Việt Nam, 1 năm học tại Trung Quốc và năm thứ ba quay về Việt Nam học tại doanh nghiệp và khi tốt nghiệp sẽ làm việc ngay tại doanh nghiệp.
Cùng đó là mô hình 3+ 2 liên kết trao đổi học tập cùng trường Đại học Quốc gia Kunsan (Hàn Quốc) theo phương thức: 3 năm tại BCi và 2 năm học nâng cao trình độ Đại học tại Hàn Quốc. Đặc biệt, tại Đại học Kunsan có ngành đào tạo bán dẫn, đây sẽ là cơ hội thuận lợi để phát triển nguồn nhân lực CLC cho ngành công nghiệp số, bán dẫn tại Bắc Ninh.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn đồng tình ủng hộ chủ trương đào tạo theo các mô hình này của nhà trường. Ông Tuấn cho biết thêm: Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh sẵn sàng tạo điều kiện kinh phí cho đội ngũ giảng viên của nhà trường được tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm, thậm chí là tu nghiệp học nâng cao trình độ chuyên môn tại các nước có nền công nghệ phát triển. Nhà trường cần có sự quan tâm, chọn lọc những giảng viên có tiềm năng, cử tham gia học tập tại nước ngoài để đáp ứng công tác đào tạo nghề ngày càng tốt hơn, muốn “trò giỏi, thầy phải giỏi”.
Hơn nữa, nhà trường cần tăng cường mở rộng quan hệ với các doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Qua đó, nhằm tạo điều kiện cho giảng viên được thường xuyên xuống doanh nghiệp tiếp cận các công nghệ mới để cập nhật kiến thức, kỹ năng mới và từ đó truyền đạt, giúp người học hình thành kỹ năng mới, đặc biệt là kỹ năng số trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển.
Theo https://nghenghiepcuocsong.vn